NGỌC PHỈ THÚY TOÀN THƯ - PHẦN 2: 8 TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NGỌC PHỈ THÚY
🎊 SERIES: NGỌC PHỈ THÚY TOÀN THƯ 🎉
PHẦN 2: 8 TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NGỌC PHỈ THÚY
Lưu ý: Nội dung sau đây, cũng như toàn bộ những gì mình chia sẻ trong series dựa trên góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân. Khó tránh khỏi có những thiếu sót hoặc bất đồng quan điểm. Rất mong nhận được sự đóng góp của quý độc giả, để chúng ta có thể hoàn thiện hơn kiến thức về Ngọc.
Trước tiên, cần làm rõ một chút về 2 cái tên: NGỌC CẨM THẠCH & NGỌC PHỈ THÚY. Khi nào dùng tên nào? Có gì khác nhau? Đây là thắc mắc khiến rất nhiều bạn đọc cảm thấy bối rối.
Bản chất, cả 2 cùng chỉ một loại, và chỉ có Việt Nam dùng song song như vậy. Theo tiêu chuẩn quốc tế, hay trên các phiếu kiểm định, sẽ chỉ dùng duy nhất 1 tên khoa học của đá, là JADEITE.
Với cách hiểu của Việt Nam, Jadeite nói chung sẽ được gọi là Ngọc Cẩm Thạch. Nhưng khi ngọc cẩm thạch có độ trong cao, bề mặt ngọc bóng mướt như được tráng một lớp nước, trong lòng khối ngọc phản chiếu và phát ra ánh sáng như dạ quang, lên màu lục, trắng trong, huyết, tím tử la lan... thì em nó sẽ được gọi bằng nghệ danh “Ngọc Phỉ Thúy”
Như vậy hiểu nôm na: Ngọc Cẩm Thạch dùng để chỉ Jadeite nói chung. Còn Ngọc Phỉ Thúy là từ để chỉ Jadeite chất lượng cao.
Nhưng tới đây, lại phát sinh câu hỏi thứ 2, đau đầu hơn: Thế nào thì gọi là “chất lượng cao”? Kiểu như có bộ tiêu chí đánh giá được lượng hóa cụ thể không? VD bộ 10 tiêu chí, thang điểm 10, đạt từ 8đ trở lên gọi là Ngọc Phỉ Thúy, còn dưới ngưỡng đó gọi là Ngọc Cẩm Thạch.
Rất tiếc… chẳng có bộ tiêu chuẩn nào như vậy cả Dẫn đến chuyện trớ trêu:
Ngọc Phỉ Thúy cũng giống như hot girl, phải có cả nhan sắc, tài năng và trí tuệ thì mới xứng đáng. Nhưng ngày nay danh xưng hot girl bị đặt tràn lan, thì ngọc phỉ thúy cũng vậy. Mấy viên cẩm thạch trắng bệt, rỗ chằng rỗ chịt, chất đá đục ngầu mà các cửa hàng cũng thản nhiên gọi đó là Ngọc Phỉ Thúy, làm mất đi ý nghĩa cao quý của loại ngọc này.
Quan điểm của mình: Ai thích gọi thế nào cũng được! Cái tên không thay đổi được bản chất. Thay vì tranh cãi cẩm thạch hay phỉ thúy, chúng ta cần học được cách đánh giá phẩm cấp thực sự của miếng ngọc.
Trong giới chơi ngọc truyền tai nhau câu “Nội hành khán chủng, ngoại hành khán sắc". Câu này hàm ý: Những người có kiến thức chuyên sâu về Phỉ Thúy sẽ coi CHỦNG là yếu tố quan trọng nhất để xác định giá trị của một viên ngọc. Trong khi đó, người mới chơi thường sẽ bị cuốn hút bởi SẮC, mà quên đi các yếu tố khác.
Thực tế thì Chủng quan trọng, Sắc cũng không kém phần. Nhưng đây mới là 2 trong 8 tiêu chí cần quan tâm. Dưới đây mình sẽ phân tích chi tiết, để chúng ta có cái nhìn bao quát về cả 8 yếu tố này. Từ đó có góc nhìn toàn diện khi đánh giá bất cứ tác phẩm ngọc nào.
1. TỰ NHIÊN VÀ XỬ LÝ
Đầu tiên, về phân loại, Ngọc Jadeite được chia làm 3 loại (Type) A, B, C:
- Loại A - Hoàn toàn tự nhiên, không xử lý
- Loại B – Tẩy rửa tạp chất và xử lý phủ keo bề mặt
- Loại C – Nhuộm màu.
Ngoài ra, do đằng nào cũng mất 1 công xử lý, nên thường với ngọc phẩm cấp thấp, sẽ kết hợp cả tẩy rửa, nhuộm màu, rồi mới phủ keo. Đây là ngọc loại B + C, có thể nói là chất lượng tệ hại nhất trong các loại.
Hầu hết mọi người đều nghĩ Ngọc type A là chất lượng cao nhất, giá đắt nhất. Nhưng thực tế không phải vậy. Phân loại này để phân biệt ngọc đã được xử lý hay chưa, và xử lý bằng phương pháp nào, chứ không phải để đánh giá giá trị ngọc. Viên ngọc xấu quắc cùi pắp nhưng không xử lý gì thì vẫn được xếp vào loại A. Ngược lại một chiếc vòng ngọc đẹp lung linh nhưng nhuộm màu thì vẫn là ngọc loại C. Nhiều người bán lợi dụng điều này, quảng cáo với khách hàng về ngọc loại A và bán với giá cắt cổ, nhưng thực tế những viên ngọc loại A chất lượng thấp có giá rẻ bèo.
Có thể mua một chiếc vòng tay Jadeite tự nhiên loại A với giá vài trăm ngàn không? Trước hết, chắc chắn rằng bạn có thể! Tuy nhiên, loại Jadeite cấp thấp như vậy đã vô cùng gần với phẩm chất của đá , không sắc, không chủng, chỉ còn lại cái tên "Jadeite". Là một cái vỏ rỗng gần như không có sự sống. Đặc điểm của chúng là hạt thô, khô không có nước, độ trong suốt kém, thậm chí có vết nứt sâu như bị sét đánh…
Quan điểm cá nhân: Chúng ta quá nghèo để chơi hàng giá rẻ! Thà rằng dành dụm, có tấm có món rồi chơi một miếng ngọc đáng đồng tiền bát gạo. Còn hơn ngày ngày đi săn hàng rác, nay dùng mai chán, rồi pass với đổi miết. Tính ra vừa mất thời gian vừa tốn kém, có khi còn mua bực vào mình.
2. SẮC (MÀU NGỌC)
Người mới chơi, sẽ luôn bị cuốn hút bởi màu sắc. Do vậy, đây sẽ là yếu tố tiếp theo mình thảo luận.
Bạn nào đã học thiết kế, mỹ thuật, chắc chắn sẽ biết về lý thuyết màu cơ bản, xoay quanh 3 tham số: Hue (Tông màu), Saturation (Độ bão hòa) và Brightness (Độ sáng)
Thật kinh ngạc, người Trung Hoa từ hàng ngàn năm trước đã định nghĩa tiêu chuẩn màu Ngọc, theo cách hoàn toàn tương đồng với lý thuyết hiện đại. Thậm chí còn chi tiết hơn. Thông qua 4 khái niệm: CHÁNH – NỒNG – DƯƠNG – QUÂN mà mình sẽ trình bày sau đây
2.1 CHÁNH – Màu chính
Khái niệm này tương đương với HUE trong lý thuyết màu. Ngọc Phỉ Thúy được chia thành 8 nhóm màu chính: LỤC, HỒNG, HOÀNG, BẠCH, TỬ, LAM, MẶC, và PHIÊU HOA (Hoa bay)
Đặc điểm Ngọc Phỉ Thúy thường không thuần nhất một màu, mà sẽ lẫn lộn màu chính – màu phụ. Miếng ngọc có màu chính chiếm tỷ lệ càng cao, và màu càng tinh khiết, thì giá trị càng cao. VD: Trắng tinh khiết thì chắc chắn là đẳng cấp hơn… trắng nhờ nhờ cháo lòng
2.2 NỒNG – Độ đậm nhạt
Khái niệm này tương đương với SATURATION trong lý thuyết màu. Màu có độ nồng khoảng 70-80% là lý tưởng. Đậm hơn nữa sẽ bị tối, còn nhạt hơn lại thiếu sắc.
Nói về độ nồng, trong giới chơi ngọc phổ biến cặp tính từ dân dã đối lập nhau, là CAY – NGỌT. Xanh cay là màu xanh chói, gắt, gây ấn tượng mạnh về thị giác. Ngược lại, xanh ngọt lại nhẹ nhàng, dịu mắt, tạo cảm giác thư thái khi ngắm nhìn.
2.3 DƯƠNG – Độ sáng
Khái niệm này tương đương với BRIGHTNESS trong lý thuyết màu. Cùng một màu, càng tươi sáng sẽ càng có giá trị. Ngược lại, màu âm trầm bị đánh giá thấp
Màu ngọc đạt độ sáng cực đại sẽ gọi là CHÍNH DƯƠNG.
VD với Ngọc màu lục, thì Chính Dương Lục là màu thuộc hàng đẹp đắt nhất. Ngược lại, Du Thanh Lục âm trầm, tẻ nhạt lại ít được ưa chuộng, và giá thành rẻ hơn rất nhiều
2.4 QUÂN – Độ đều màu
Như đã nói, Ngọc Phỉ Thúy là đá đa khoáng, màu sắc thường không đồng nhất. Do vậy, giới chơi ngọc bổ sung thêm 1 yếu tố cuối cùng để đánh giá màu, đó là độ đều.
Cùng là miếng Hoàng Tông Phỉ, nhưng nếu màu vàng đều cả khối, thuần nhất cả về sắc, độ đậm, độ sáng, thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều, so với miếng ngọc loang lổ chỗ vàng đậm, chỗ vàng nhạt…